Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Cách trồng và chăm sóc cây cau vàng

Hình ảnh cây cau đã trở nên vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam, từ câu chuyện sự tích trầu cau cho tới những thói quen truyền thống của người việt trong mỗi một đám cưới. Cây cau và quả cau đã đi vào tâm trí người Việt như một loài cây của miền thôn quê dân dã. Thế nhưng, ngày nay đã xuất hiện nhiều loài cau khác với hình dáng và kích thước nhỏ hơn và con người có thể đem làm cây cảnh trong nhà hay ngoại thất đều được cả. Hãy cùng tìm hiểu về cách trồng và chăm sóc cây cau vàng nhé.

trồng cây cau vàng

Vài nét về cây cau vàng

Cây cau vàng (golden cane palm) còn được gọi là cau cọ, tre cọ, cau tre, tên tiếng anh là dypsis lutescens tên khoa học là Chrysalidocarpus lutescens, Areca lutescens thuộc chi Dypsis, cau vàng là một trong những thành viên thuộc loài Arecaceae, là loài thực vật có hoa, một lá mầm. Cau vàng được trồng và chăm sóc rộng rãi để trang trí thêm cho cảnh quan trong nhà hay ngoài trời của bạn.
Mỗi một cây cau vàng khi đạt tới mức phát triển bình thường có thể cao từ 3 đến 6 mét. Lá cây thuộc loại lá kép, có khoảng từ 20 đến 50 cặp lá đối xứng mọc trên một tàu lá. Cau vàng có dáng cây rất thanh lịch, phần ngọn của cây được bao phủ bởi một lớp vỏ màu xanh và trắng, phần thân và gốc của cây chia làm nhiều đốt ngắn và có màu hơi ngả vàng, chính vì thế được gọi là cây cau vàng. Cau vàng ra hoa theo cụm, màu trắng sữa và thơm nhẹ. Quả cau vàng khi chín có kích thước bằng đầu ngón tay út người lớn, màu vàng cam và có vị hơi ngọt, chát. Quả cau vàng là nguồn thức ăn yêu thích của một số loài chim.
Cau vàng là một loài cây thân bụi, có tuổi thọ khá lâu và dễ trồng dễ chăm sóc. Cau vàng có một sức sống rất mãnh liệt trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Trong những nghiên cứu của mình về khả năng hấp thụ các khí độc hại của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA, các nhà khoa học đã kết luận, cau vàng cùng với một số loài cây cảnh trong nhà khác có tác dụng đặc biệt trong việc hấp thụ xylene và toluene có trong không khí. Đây là những chất có hại đối với cơ thể con người, vì thế khi trồng cau vàng trong nhà bạn có thể yên tâm với những chất độc hại đó sẽ không ảnh hưởng tới mình mà đã được cau vàng hấp thụ gần như toàn bộ.
Với một cây cau vàng có chiều cao khoảng 1,8 m, trong 24 giờ nó có thể thoát ra khoảng 1 lít nước giúp duy trì độ ẩm không khí. Chính vì khả năng làm tăng độ ẩm của không khí như vậy mà cau vàng cũng là một loài cây ưa nước, bạn có thể tưới cau hàng ngày để duy trì sự xanh tốt và phát triển của cây khi trồng trong chậu cảnh. Cau vàng khi được dùng làm cây cảnh trong nhà sẽ mang lại cho không gian sống của gia đình hay văn phòng làm việc của bạn một bầu không khí trong lành và mát mẻ, tạo nên cảm giác dễ chịu và thoải mái đối với trí não của bạn.

chăm sóc cây cau vàng


Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cau vàng

Cau vàng là một loài cây cảnh trong nhà được trồng phổ biến ở Việt Nam, để biết rõ hơn và có kiến thức trong việc trồng và chăm sóc cây cau vàng, hãy tham khảo một số lời khuyên dưới đây của những chuyên gia cây cảnh lâu năm.

Đất trồng: Đây là điều phải quan tâm đầu tiên khi muốn trồng bất kỳ một loại cây cảnh nào gắn với đất. Vì cau vàng thuộc loại rễ chùm và phát triển rất mạnh trong lòng đất nên bạn cần phải chuẩn bị một chậu cây to và có nhiều lỗ thoát nước bên dưới đáy chậu. Bạn chuẩn bị để trồng cây với đất trồng, phân hữu cơ và một ít than bùn. Sau đó trộn đều với nhau theo tỷ lệ 1:1:1. Sau một thời gian trồng cây trong chậu khoảng từ 2 đến 3 năm, lúc này cây đã phát triển lớn hơn và bạn nên thay cho cây một cái chậu mới và đất để đảm bảo cây phát triển tốt. Nếu sống trong điều kiện thiếu chất dinh dưỡng, cau vàng dễ bị vàng và héo lá.
 
Ánh sáng: Cau vàng là một loài cây ưa ánh sáng, nhưng cũng có thể sống tốt với việc thiếu sáng. Tuy nhiên để cây phát triển tốt nhất bạn nên để cây dưới ánh sáng như gần cửa chính hay cửa sổ.

Nhiệt độ: Cây cau vàng ưa sống ở những nơi có khí hậu ấm áp, không quá lạnh và nóng. Nhiệt độ thích hợp cho cây vào khoảng 30 độ, cây cũng có thể sống một thời gian ở nhiệt độ -2 độ nhưng sẽ dễ chết vì lạnh. Nếu phòng bạn thường xuyên sử dụng điều hoà nhiệt độ thì không nên trồng cau vàng trong phòng.

Nước và độ ẩm: Chính vì khả năng thoát ẩm vào không khí làm con người cảm thấy tươi mát nên cau vàng cần tưới nước thường xuyên để không bị thiếu hụt lượng nước. Không nên để cây sống trong đất quá ướt hoặc quá khô. Bạn có thể dùng đá cuội xếp bên dưới chậu cây và đổ nước vào đó sao cho mực nước thấp hơn các lỗ thoát nước của cây để giữ ẩm cho cây và để ngăn cản sự bay hơi nước.


Sâu bệnh gây hại: Bạn nên bón chất mùn, phân hữu cơ bổ sung dưỡng chất cho cây khi cây có hiện tượng thiếu chất dinh dưỡng do hàm lượng các chất Fe, Zn, Mg trong đất thiều hụt dẫn đến hiện tượng vàng lá, cây sẽ kém phát triển.
Khi cau vàng bị nấm bệnh: Chính vì cau vàng sống và phát triển trong điều kiện không khí ẩm và nhiệt độ trung bình nên đây cũng là một môi trường vô cùng lý tưởng cho các loại nấm bệnh phát triển và lây nhiễm cho cây gây nên hiện tượng  tổn thương trên thân hoặc lá, xuất hiện nhiều vét màu nâu đỏ hoặc đen. Khi cây bị nấm xâm hại, bạn nên ngừng việc tưới cây lại và đem cây ra ngoài ánh nắng đồng thời phun thuốc diệt nấm để cải thiện sức khoẻ cho cây cau vàng.
Côn trùng phá hoại: Bạn nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ côn trùng gây hại như cào cào, ve, nhện… vì những loài này rất thích xâm nhập và phá hoại cây cau vàng
Ngoài ra cau vàng còn dễ mắc bệnh lethal yellowing: một loại bệnh thường thấy ở các loài dừa, cau và cọ. Lá cây sẽ chuyển sang màu vàng và rũ rượi khi cây mắc bệnh này, Bắt đầu từ những lá già sau đó dần dần lan đến những lá non trên ngọn. Cuống hoa bị bôi đen… Sau một thời gian, cây có thể sẽ chết. Nguyên nhân là do sự tấn công của vi khuẩn phytoplasma. Tình trạng này có thể kiểm soát bằng thuốc kháng sinh.
TAGS: Cưa Cắt CànhBộ Ống Làm Vườn AsakiKéo Tỉa Cây,...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét